Văn chương Isabella Andreini

Hình vẽ Isabella Andreini trong bản in năm 1588, khi bà 28 tuổi

Isabella Andreini nổi tiếng và được ngưỡng mộ không chỉ bởi sắc đẹp và tài năng diễn xuất mà còn bởi học vấn, trí tuệ và những tác phẩm của mình[1][13]. Năm 1588, bà cho ra mắt vở kịch thơ đồng quê mang tên Mirtilla, xuất bản tại Verona và đã được tái bản nhiều lần sau đó. Nội dung vở kịch nói về những trò tai quái của vị thần ái tình Cupid lên một chàng trai và hai cô gái chăn cừu vì thái độ không kính trọng của họ với vị thần[1]. Theo Julie D. Campbell, Mirtilla thể hiện sự thách thức của Isabella với những quan niệm khác biệt về tình yêu đích thực và nhu cầu tự nhiên của người phụ nữ, đặc biệt được bà viết với mục đích phản ứng lại với vở kịch Aminta (1573) của Torquato Tasso[13]. Điều thú vị là vai nam Aminta lại là một trong những vai diễn mà bà đã từng biểu diễn rất nhiều lần trong sự nghiệp, và cũng theo Campbell, trong quá trình làm việc và thảo luận về tác phẩm này đã nảy sinh những mâu thuẫn quan điểm giữa Isabella và Tasso[14]. Mặc dù thế, họ vẫn là những người bạn thân thiết của nhau, và trong một bức thư, Isabella đã từng bày tỏ sự xúc động sâu sắc của bà về cái chết của Torquato Tasso, người "sẽ không bao giờ chết bởi sự lãng quên không bao giờ đủ sức mạnh để có thể che phủ anh"[15].

Năm 1601, Andreini được kết nạp vào Viện hàn lâm Intenti ở Pavia (Accademia degli Intenti di Pavia), ở đó bà có biệt danh là Accesa[7]. Cũng trong năm 1601, bà xuất bản tuyển tập thơ đầu tay, Rime, ở Milan, bao gồm 328 bài thơ ở nhiều thể loại, như sonnet, madrigale, canzoni, centozi, capitoli, scherzi, eclogue... và cả thơ châm biếm hài hước[1][11].

Ngoài Rime và Mirtilla, những tác phẩm còn lại đều được xuất bản sau khi Isabella mất. Rime, parte seconda (phần hai của Rime) được xuất bản vào năm 1605 tại Milan, tập hợp những bài thơ được bà viết dành cho đồng nghiệp của Viện Intenti cùng những thành viên trong giới trí thức và quý tộc ở Pháp. Bên cạnh đó, trong Riem, parte seconda, còn có 8 bài thơ mà Isabella đã viết dành cho Mademoiselle Maria de Beaulieu, một thị tỳ của hoàng hậu Marguerite de Valois, đặc biệt ám chỉ tới những mối quan hệ văn chương và cá nhân của mình trong xã hội thượng lưu. Beaulieu đã từng xuất bản một chuyên luận mang tên La Premiere atteinte centre ceux qui accusent la comedie (1603), với nội dung ca ngợi Andreini đồng thời ủng hộ bà và đoàn kịch Gelosi chống lại những người có thái độ và quan niệm phỉ báng chỉ trích giới diễn viên sân khấu[16].

Lettre (những bức thư) của Isabella, được sưu tầm và xuất bản bởi chồng bà Francisco vào 3 năm sau khi bà mất, đã được tái bản lại 5 lần cho tới năm 1647. Nó bao gồm 148 bức thư, đề cập nhiều đề tài trong đó chủ yếu về danh dự của nữ giới, những xấu xa của tệ nạn mại dâm và những than phiền về sức mạnh của tình yêu[1]. Cùng với sự giúp đỡ của nhà viết kịch và người bạn cũ của Isabella, Flaminio Scala, chồng bà còn tập hợp 31 tác phẩm đối thoại về tình yêu và nghệ thuật sân khấu của Isabella thành một cuốn sách được xuất bản năm 1620, dưới tựa đề Fragmenti di alcune scritture delia Signora Isabella Andreini Comica Gelosa et Academica Intenta (Những mẩu tác phẩm của Isabella Andreini, diễn viên Gelosi và viện sĩ Intenti)[11].